Lượt xem: 481

Nhiều giải pháp “vực dậy” nghề nuôi artemia

Với địa hình sinh thái gần biển và có nguồn nước mặn quanh năm, thị xã Vĩnh Châu là vùng đặc thù cho mô hình sản xuất kết hợp muối - tôm - artemia. Trong đó, trứng bào xác artemia Vĩnh Châu hiện đã tạo được thương hiệu trên thế giới. Dù vậy, việc sản xuất nhằm thu trứng artemia lệ thuộc rất lớn vào các yếu tố thời tiết và môi trường, trong khi tác động của biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra gay gắt đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất của người nuôi. Từ thực tế này, thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã tăng cường triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cho loài thủy sản có giá trị kinh tế cao này.

 


Thành phẩm trứng bào xác artemia đóng hộp 

 

    Có thể nói, nghề nuôi artemia của thị xã Vĩnh Châu là ngành nghề mang tính đặc trưng từ sự ưu đãi mà thiên nhiên dành tặng riêng cho vùng đất Sóc Trăng, mà không phải vùng duyên hải nào cũng có được. Kết quả phân tích tại trường Đại học Cần Thơ cũng như phòng thí nghiệm nước ngoài cho thấy, trứng bào xác artemia Vĩnh Châu có hàm lượng dinh dưỡng cao, tỷ lệ nở hơn 90%, tương đương với các sản phẩm nhập khẩu trên thị trường hiện nay.

    Giống như một số giống loài thủy sản nước mặn khác, artemia có thể nuôi và sinh sản hiệu quả ở độ mặn từ 70‰ đến 90‰, ấu trùng mới nở có hàm lượng dinh dưỡng cao, thích hợp làm thức ăn cho tôm, cá giống giai đoạn vừa mới nở. Do vậy, nhu cầu trứng artemia cung cấp cho sản xuất giống thủy sản trong và ngoài nước luôn cao và ổn định. Trung bình mỗi ha nuôi artemia có thể tạo ra lợi nhuận từ 100 - 150 triệu đồng mỗi vụ, hiệu quả kinh tế cao gấp 3 - 5 lần so với làm muối truyền thống.

    Hiệu quả kinh tế tuy rất cao, nhưng việc sản xuất nhằm thu trứng artemia phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố như: Độ mặn, nhiệt độ, dinh dưỡng... Đặc biệt, nhiều năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mưa bão, thời điểm cuối năm từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau (cũng là thời gian canh tác artemia), tình hình thời tiết khí hậu ngày càng khắc nghiệt, biến động liên tục và không ổn định đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của người nuôi artemia. Diện tích nuôi vì vậy cũng giảm dần qua từng năm. Tính riêng trong năm 2023, diện tích nuôi artemia tại thị xã Vĩnh Châu đạt khoảng 460 ha, tập trung tại: Xã Vĩnh Tân, xã Lai Hòa và phường Vĩnh Phước.

    Đồng chí Mã Chí Thọ - Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu thông tin: “Artermia chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đối khí hậu, trong khi tình hình diễn biến thời tiết trong năm 2022, 2023 vô cùng khó khăn, độ mặn thấp nên nhìn chung bà con tiến hành nuôi rất ít, sản lượng trứng vì vậy cũng giảm. Bên cạnh đó, về mặt kỹ thuật thì bà con nuôi theo kiểu truyền thống, ít chịu cải tiến, đa số vẫn thả với mật độ quá dày nên ảnh hưởng nhiều đến năng suất”.

    Để phát huy thế mạnh, phát triển nghề nuôi theo hướng bền vững, hiệu quả, từ năm 2019 đến năm 2022, được sự giúp đỡ của Trường Đại học Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng đã nghiên cứu thành công và áp dụng kết quả đề tài “Quy trình nuôi artemia ở độ mặn thấp theo chế độ dinh dưỡng cải tiến tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng”. Qua đó, đã giúp bà con cải tiến một số quy trình nuôi như: Chế độ bón phân cải tiến, chế độ dinh dưỡng phù hợp hơn so với phương pháp nuôi trước đây. Từ đó áp dụng và phổ biến rộng rãi trong vùng, từng bước giúp nâng cao chất lượng, sản lượng và thích ứng cao với điều kiện biến đổi khí hậu, biến động độ mặn trong năm tại địa phương.

    Trong các năm qua, Chi cục Thủy sản cùng Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng đã tích cực phối hợp với địa phương nhằm tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cải tiến, và tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân. Trong vài năm trở lại đây, với việc ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến nghề nuôi, người dân đã nhận thức và áp dụng nhiều giải pháp khắc phục như: Thả giống sớm hơn, tích trữ nước mặn năm trước để sử dụng cho mùa sau, thả con giống ở độ mặn thấp và chuyển đổi canh tác giữa trứng và sinh khối để cải thiện thu nhập. Đồng chí Lâm Ánh Tiên - Phó trưởng Phòng Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Thời gian gần đây cho thấy mùa vụ nuôi artemia thường kết thúc vào tháng 2 hằng năm vì thời tiết lúc này nắng rất nóng, nhiệt độ có khi lên đến 380c, mức nước nuôi artemia thường thấp làm cho artemia chết nhiều và không cho trứng nên năng suất còn thấp, trong khi mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 5. Trước tình hình đó, việc khắc phục nắng nóng, ổn định nhiệt độ đáp ứng yêu cầu kỹ thuật để kéo dài thời gian thu trứng, tăng sản lượng và năng suất nuôi là giải pháp rất thiết thực. Ngoài việc cấp thêm nước, dùng lưới lan che mát một phần ao nuôi để cho artemia trú ẩn khi thời tiết nắng nóng, cần lưu ý tháo cạn nước khi dứt mùa mưa, sên vét, phơi đáy ao và tiến hành đi nước đến khi độ mặn đạt >80‰ tiến hành thả giống. Điều chỉnh diện tích lưới che cho phù hợp điều kiện nắng tại ao nuôi. Theo dõi nhiệt độ trong ao nuôi, so sánh nhiệt độ với ao nuôi khác. Trong quá trình cho ăn nên sử dụng thức ăn công nghiệp, hạn chế sử dụng phân gà, chuẩn bị tốt ao bón phân gây màu để cấp cho ao nuôi”.

    Tháng 12 năm 2022, Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” cho sản phẩm artemia.  Đánh giá từ các nhà nghiên cứu cho thấy,  artemia Vĩnh Châu có khả năng chịu nóng cao hơn, có thể cho trứng bào xác cao hơn ở độ mặn thấp hơn, kích thước nhỏ hơn 5-6% so với giống gốc. Với đặc tính kích thước nhỏ, phù hợp với kích cỡ miệng đa số loài ấu trùng thủy sản, cùng với hàm lượng axit béo không no cao đã giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trứng bào xác artemia Vĩnh Châu trên thị trường thế giới. Từ hiệu quả kinh tế và khả năng tiêu thụ thuận lợi, Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu đã thiết kế khu vực riêng biệt, đầu tư thêm nhiều máy móc, thiết bị phục vụ cho việc sản xuất, đóng hộp trứng bào xác artemia thành phẩm. Trung bình mỗi năm, Hợp tác xã cung ứng khoảng 500 kg sản phẩm ra thị trường, trong đó, số lượng dành cho xuất khẩu luôn chiếm trên 50%.


Tham quan Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu hộp trứng bào xác artemia thành phẩm

 

    Phó Giám đốc Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu - Trần Văn Khởi cho biết thêm: “Trong thời gian gần đây thì sản phẩm trứng artermia của Vĩnh Châu bắt đầu khẳng định lại chất lượng nên nhu cầu sử dụng cho thị trường tôm giống rất cao, các nước nhập khẩu họ cũng sử dụng nhiều cho nghề nuôi cá cảnh. Tại Hợp tác xã sản lượng làm ra vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường. So với trứng artermia của Mỹ, Trung Quốc và Nga, thì giá artermia của Việt Nam vẫn đứng cao nhất trên thị trường. Cụ thể, tại Mỹ nhập khẩu 1 lon 225 gram giá 1.100 ngàn đồng, đối với Nga hoặc Trung Quốc từ 600 - 900 ngàn đồng, nhưng trứng nhập từ Việt Nam giá 2 triệu - 2 triệu 200 ngàn đồng/lon, tương đương 1 kg khoảng trên dưới 5 triệu đồng”.

    Với việc được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý là cơ hội để nâng cao danh tiếng và chất lượng sản phẩm artemia Vĩnh Châu. Thực tế cũng cho thấy, phần lớn các loại nông sản đều có giá bán tăng cao sau khi được công nhận. Tuy nhiên, để phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm đặc thù này, rất cần tập trung triển khai thêm nhiều giải pháp đồng bộ để nghề nuôi phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Đồng chí Phan Bạch Vân - Trưởng Phòng Nuôi trồng Thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng thông tin: “Nghề nuôi artermia nhìn chung vẫn còn tồn tại những thuận lợi và khó khăn riêng. Thời gian tới, Chi cục Thủy sản tỉnh sẽ tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng các đơn vị chuyên môn tuyên truyền sâu rộng để tất cả bà con đều có thể tiếp cận với quy trình nuôi cải tiến. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hơn nữa công tác quảng bá thương hiệu sản phẩm, nâng cao năng lực cho các hợp tác xã, để sản phẩm artermia của Sóc Trăng thật sự là một sản phẩm đặc thù, mang lại giá trị, sản lượng như mong muốn”.

    Bên cạnh tăng cường chuyển giao đến người nuôi những giải pháp về kỹ thuật, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cũng đang tập trung khuyến khích các hộ nuôi nhỏ, lẻ tham gia liên kết sản xuất thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã để xây dựng quy trình sản xuất bài bản, khoa học hơn; từng bước hình thành được vùng nuôi tập trung vừa đảm bảo yêu cầu về chất lượng, vừa đáp ứng tốt khả năng cung ứng sản lượng theo nhu cầu thị trường; hướng đến phát triển nghề nuôi bền vững trước những áp lực về giá thành sản xuất và điều kiện biến đổi khí hậu.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 109
  • Hôm nay: 8197
  • Trong tuần: 78,904
  • Tất cả: 11,802,224